Kombucha là gì? Cách làm và bảo quản Kombucha, dấu hiệu nhận biết Scoby bị hỏng, có thể dùng loại trà nào để làm kombucha,… Giải đáp tất tần tật các câu hỏi về Kombucha
Trà Kombucha được biết đến gần đây như một loại trà lên men tốt cho hệ tiêu hóa, ngăn ngừa ung thư, làm sáng da tuyệt vời. Vậy kombucha là gì? Cách làm, cách bảo quản ra sao? Cùng tham khảo bài viết này nhé!
1. Kombucha là gì?
Kombucha là một loại trà lên men có nguồn gốc từ Mãn Châu (Trung Quốc), loại trà này được lên men bằng con nấm Scoby – một loại nấm được nuôi trong nước trà có đường, tạo sủi bọt có tính axit nhẹ. Ở Nhật, người ta gọi loại đồ uống này là Kombucha, còn ở Trung Quốc, nó được gọi là nấm thủy sinh, nấm Trường sinh và Thủy Hoài Sâm.
2. Lợi ích của Kombucha đối với sức khỏe?
Trà lên men Kombucha là quá trình lên men sản sinh ra axit là acid lactic và acid acetic, tạo ra nhiều hợp chất axit, vi khuẩn sinh học, vitamin cùng với các enzym nên rất có lợi cho sức khỏe đường ruột bạn giúp tiêu hóa tốt hơn, ngăn ngừa táo bón, nhiễm trùng đường ruột, bệnh kiết lỵ, rối loạn tiêu hoá và hỗ trợ chữa viêm loét ruột và dạ dày.
Ngoài ra, Kombucha có chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao và nồng độ polyphenol giúp ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư, ngừa ung thư.
Đặc biệt, trà kombucha còn có tác dụng chống lão hóa, tăng tính đàn hồi cho da, giúp làn da được tươi sáng mịn màng và hỗ trợ điều trị các bệnh về da như: vẩy nến, viêm da, mụn cóc,…
Trà kombucha có khả năng cung cấp cholesterol tốt và giảm lượng cholesterol xấu giúp ngăn ngừa các bệnh về tim mạch. Trà cũng chứa nhiều loại vitamin hỗ trợ tăng cường miễn dịch và gia tăng thị lực.
3. Scoby là gì? Làm Scoby như thế nào?
Scoby là gì?
Scoby ( Symbiotic Colony of Bacteria and Yeast) tức là cộng sinh của vi khuẩn và nấm men, một loại nấm được nuôi trong nước trà có đường, tạo sủi bọt có tính axit nhẹ. Scoby được nuôi trong nước trà có đường, có dạng giống cao su, khá dày, hình tròn và màu đục với mùi nhẹ như giấm.
Làm Scoby như thế nào?
Dụng cụ và nguyên liệu:
- Trà xanh, hoặc trà đen: 4g (tương đương 2 túi trà lọc).
- Đường trắng: 100g.
- Nước: 1 lít.
- Bình thủy tinh miệng rộng: dung tích 3 – 5 lít.
- 1 Con giống Kombucha Scoby
Lưu ý:
– Nước trà đường dùng để nuôi Kombucha theo công thức 1:1, cứ 1 lít nước + 100g đường + 4gram trà.
– Khi lên men sẽ tạo ra axit, bạn nên sử dụng bình thủy tinh để bảo vệ sức khỏe, giúp Kombucha phát triển tốt.
– Nên vệ sinh và khử trùng bình thủy tinh, dụng cụ sạch sẽ trước khi dùng.
Cách thực hiện
Bước 1: Đun sôi nước, thả trà vào ngâm khoảng 5 phút, sau đó cho đường vào khuấy đều. Để trà đường thật nguội trước khi đổ vào bình thủy tinh.
Bước 2: Rửa tay sạch, lau khô và đeo găng tay vào, tiến hành vớt con Scoby, rửa sạch với nước để loại bỏ cặn trà bám trên nó.
Lưu ý: Nếu Scoby còn nhỏ, mỏng thì không cần rửa, tránh gây rách màng trên nấm.
Bước 3: Tiến hành thả Scoby vào bình trà đường đã nguội, dùng một miếng vải thưa phủ lên miệng bình và cột bằng sợi thun.
Giúp tránh côn trùng xâm nhập, tạo điều kiện cho vi khuẩn của men nấm có không khí để trao đổi chất và dễ lên men hơn.
Bước 4: Đặt bình nấm ở chỗ mát, khô thoáng, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào.
Bước 5: Khoảng 3 ngày, nấm sẽ sinh thêm con và nổi lên mặt nước.
Bước 6: Trà để có độ chua và độ ngọt phù hợp, hương thơm nhẹ và có chút ga thì bạn nên dừng quá trình lên men để, chắt lấy nước cho vào chai khác, sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh dùng dần. Đồng thời, Scoby bạn có thể cho vào lọ khác, để tiếp tục nuôi.
4. Làm sao để biết được Scoby đang phát triển đúng?
Trong suốt quá trình lên men, nếu Scoby phát triển bình thường, bạn sẽ nhận thấy có màng trắng hoặc bong bóng, các sợi dây màu nâu hình thành xung quanh nó (đó là râu của nó, chúng mọc rất nhanh).
5. Làm sao để biết được Scoby đã bị hỏng không còn dùng được nữa?
Nếu Scoby xuất hiện các đốm (đen, trắng, nâu, và đặc biệt là xanh lá cây), lông tơ và các mảng bột đều là nấm mốc trên bề mặt, đó là dấu hiệu Scoby của bạn bị nấm mốc, bạn không được tiếp tục sử dụng nó mà phải bỏ đi để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
6. Scoby dùng xong thì có thể bỏ đi đúng không?
Câu trả lời là KHÔNG. Nếu bạn muốn tiếp tục làm Kombucha, bạn có thể cho Scoby vào lọ khác để tiếp tục nuôi và cất trong tủ lạnh cho đến khi bạn sẵn sàng sử dụng lại.
7. Tại sao Scoby của tôi bị chìm dưới đáy chứ không nổi lên trên như của người khác?
Đừng quá lo lắng vì đó là điều bình thường, Scoby của bạn bạn sẽ nổi lên ngay thôi.
8. Scoby không che phủ hết bề mặt có sao không?
Câu trả lời là KHÔNG. Scoby sẽ dần phát triển khắp lọ Kombucha của bạn.
9. Có thể dùng nước máy để làm Kombucha hay không?
Bạn không được dùng nước máy trực tiếp vì nó chứa clo, làm quá trình lên men của Scoby. Bạn nên sử dụng nước lọc đã loại bỏ hóa chất, cặn bẩn.
10. Dùng những loại trà thông thường, trà có mùi vị để làm Kombucha được không?
Bạn có thể sử dụng trà xanh hoặc trà trắng, nhưng tránh các loại trà có mùi, có hương liệu vì các thành phần phụ có thể cản trở quá trình lên men.
Các loại trà thảo mộc thường không được khuyến khích sử dụng, vì chúng không chứa đủ các chất dinh dưỡng mà Scoby cần để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hết đợt này đến đợt khác.
11. Có thể dùng hộp nhựa để làm kombucha được không?
Không! Khi Scoby lên men sẽ tạo ra axit, bạn nên sử dụng bình thủy tinh để bảo vệ sức khỏe, giúp Kombucha phát triển tốt.
12. Nhiệt độ để làm kombucha phù hợp nhất là bao nhiêu?
Trà lên men nên đặt ở nơi có nhiệt độ mát khoảng 23°C – 29°C sẽ tạo hương vị và mùi thơm cho thành phẩm. Nếu quá lạnh, trà sẽ không lên men; nếu quá nóng, bạn có thể làm hỏng Scoby. Không nên đặt trà cạnh các đồ lên men khác như dưa muối, rượu,… dễ khiến trà bị lên men nhanh hơn.
13. Vận chuyển kombucha như thế nào?
Khi vận chuyển Kombucha, bạn có thể sử dụng hộp nhựa và nước trà đường.
14. Bảo quản kombucha ra sao?
Bạn cần bảo quản kombucha trong ngăn mát tủ lạnh, không được dùng thìa bẩn hoặc uống trực tiếp từ miệng bình để tránh vi khuẩn xâm nhập.
Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc, hiểu hơn về cách làm, cách bảo quản Kombucha và những công dụng của thức uống này đối với sức khỏe. Nếu có thêm thắc mắc, hãy để lại bình luận bên dưới nhé.