Hầu hết các dòng máy giặt hiện nay có thời gian hiển thị và thời gian giặt thực tế chênh lệch từ 10 đến 20 phút.
Ví dụ, một máy giặt ở chế độ hàng ngày có thời gian là khoảng 40 phút. Nhưng thực tế, tùy theo lượng áo quần và chất liệu quần áo cần giặt mà thời gian thực tế có thể là 50 phút hoặc hơn.
Nguyên nhân của sự chênh lệch này là do là bộ đếm thời gian trên máy giặt thường hiển thị ở chế độ tối ưu.
Còn trên thực tế, bộ đếm thời gian của máy giặt đôi khi sẽ xung đột với các hệ thống đo đạc bên trong. Một trong số đó là bộ cảm biến tải – bộ phận đo lượng đồ cần giặt và lượng nước tiêu chuẩn để hoàn tất một chu trình giặt. Điều này có thể ảnh hưởng đến đến lượng thời gian mà chu kỳ cần, khiến bộ đếm thời gian hiển thị sai.
Ngoài ra, nhằm cân bằng tải cho lồng giặt (tránh bị rung lắc mạnh khi hoạt động), máy giặt có thể sử dụng nhiều nước hơn nên thời gian để hoàn thành một chu trình giặt cũng lâu hơn so với thời gian hiển thị.
Việc vắt nước trên đồ giặt cũng có thể khiến thời gian hoạt động của máy kéo dài. Trong giai đoạn cuối của chu trình vắt, lồng giặt sẽ quay để đẩy nước ra khỏi áo quần nhưng do mỗi chất liệu vải có khả năng giữ nước khác nhau nên nếu cảm biến xác định có đồ còn ướt thì lồng giặt sẽ hoạt động trở lại. Vì vậy, càng có nhiều chất liệu vải trong 1 lần giặt thì thời gian vắt sẽ càng lâu.
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia khuyến cáo không nên giặt chung nhiều loại áo quần với nhau, thay vào đó nên chọn những món đồ có chất liệu vải tương tự nhau cho mỗi lần giặt để tối ưu thời gian giặt. Đồng thời không nên cố gắng đưa đồ giặt vào máy càng nhiều càng tốt bởi sẽ khiến thiết bị bị quá tải, thời gian giặt cũng lâu hơn.