Trong dịp Tết cổ truyền, bánh chưng là sự kết hợp hài hòa của những nguyên liệu giản dị gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước. Bánh chưng xanh ở Việt Nam lại là món ăn tạo nên mỹ vị nhân gian với sự kết hợp của gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ,…
Tất cả đã tạo nên một món ăn truyền thống của người Việt đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, việc gói nhiều bánh chưng để dâng lên bàn thờ gia tiên khiến nhiều gia đình “đau đầu” với lượng bánh chưng thừa sau Tết.
Chính vì vậy, sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, việc xử lý bánh chưng thừa đôi khi là nỗi ám ảnh với nhiều bà nội trợ. Chưa kể đến việc ăn bánh chưng hàng ngày khiến nhiều gia đình ngán ngẩm, thừa hàng chục chiếc bánh chưng.
Thực trạng của nhiều gia đình sau Tết Nguyên đán là vậy, nếu đang băn khoăn tìm giải pháp thì mẹ đảm nên xem ngay bài viết dưới đây.
Cách chế biến bánh chưng thừa thành món ngon đặc sắc
Gợi ý 10 cách biến tấu bánh chưng thừa sau Tết không chỉ làm mới món ăn cho cả gia đình mà còn giúp các bà nội trợ ghi điểm trong mắt chồng, con.
Bánh chưng chiên ngũ sắc
Nguyên liệu:
– Cà rốt
– Nấm linh chi
– Bắp
– Lạp xưởng
– Chả lụa
– Bánh chưng
– Phô mai
– Gia vị: mắm, chà bông, hạt nêm, hạt tiêu
Cách làm:
Đầu tiên, bạn rửa sạch các nguyên liệu và cho lên thớt thái hạt lựu. Sau đó chần sơ nấm, bắp, rau củ qua nước sôi khoảng 2 phút rồi vớt ra để ráo.
Tiếp theo, cho bánh chưng vào chảo cùng 300ml nước lọc, bắc lên bếp mở lửa vừa.
Sau đó, dằm nhuyễn bánh chưng, chỉnh lửa nhỏ chiên thêm khoảng 4 – 5 phút đến khi cạn nước, mặt bánh vàng giòn, thì lật tiếp tục chiên mặt còn lại đến khi chín đều thì tắt lửa. Tiếp theo trải giấy chống dính, rắc đều mè rang lên, đặt bánh chưng lên rồi phết phô mai đều khắp mặt bánh; rồi rải lần lượt các loại rau củ đã luộc cùng lạp xưởng, chả lụa lên mặt bánh.
Sau đó, bạn cuộn chặt giấy chống dính cho bánh tròn lại rồi đem cắt bánh thành những khoanh tròn vừa ăn.
Kimbap bánh chưng
Kimbap bánh chưng cũng là một trong những giải pháp xử lý bánh chưng thừa sau ngày Tết một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, đây cũng là phiên bản ‘vét tủ lạnh” cũng góp phần mang đến hương vị giòn dẻo, lạ miệng.
Các bước thực hiện món ăn này rất đơn giản. Bạn chỉ cần cắt mỏng bánh chưng, dầm nhuyễn rồi rán bằng nước đến khi se mặt thì tắt bếp.
Tiếp theo, đặt tấm rong biển lên mặt phẳng, dàn đều bánh chưng và cho phần nhân có sẵn hoặc còn tồn đọng sau Tết như giò, xúc xích thái sợi dài, rau củ, trứng rán… vào và cuộn lại thật chặt tay.
Cuối cùng, dùng dao sắc nhúng nước nóng hoặc thoa chút dầu ăn rồi cắt kimbap thành các miếng vừa ăn. Thưởng thức chấm cùng sốt mayonnaise pha lẫn tương ớt, tương cà tùy khẩu vị.
Bánh chưng chiên sốt me
Nguyên liệu:
– Bánh chưng
– Tỏi, hành
– Me
– Tương ớt
– Dưa chua
– Gia vị: mắm, hạt nêm, hạt tiêu
Cách làm:
Bạn chiên bánh chưng sao cho vàng đều, có thể thái lát để chiên cho đẹp mắt.
Tiếp theo, cho hành, tỏi băm nhỏ vào dầu nóng phi thơm. Tiếp đến, cho nước cốt me và tương ớt vào, đảo đều lên. Đến khi thấy nước sốt đặc sệt thì tắt bếp.
Cuối cùng, rưới phần nước me lên bánh vừa rán là có ngay món bánh chưng chiên sốt me rồi. Ngoài ra, bạn có thể chấm bánh chưng vào nước sốt và ăn kèm dưa chua, củ kiệu muối.
Bánh chưng nướng
Nguyên liệu:
– Bánh chưng nửa cái cắt khoanh
– Trứng gà
– Giò lụa thái chỉ
– Bột mỳ
– Bơ
– Gia vị: nước mắm, hạt nêm, tiêu vừa đủ.
Cách làm:
Bánh chưng nướng là một món ăn lạ để xử lý bánh chưng thừa sau ngày Tết. Cách làm món ăn này cũng khá đơn giản.
Đầu tiên, bạn đập 1 quả trứng, nêm nước mắm, hạt nêm, đánh đều. Sau đó, lấy từng khoanh bánh chưng lăn qua bột mì rồi nhúng vào trứng.
Bên cạnh đó, đối với giò lụa, bạn cũng làm tương tự như vậy. Sau đó đặt miếng giò lụa lên bánh chưng, rắc hạt tiêu lên, cho vào lò nướng ở mức 200 độ C, sau khoảng 25 phút thì lấy ra phết bơ rồi nướng 15 phút nữa.
Đến khi lò dừng quay, cho ra đĩa, ăn cùng tương ớt, nước tương hoặc nước mắm củ kiệu. Như vậy là thêm một giải pháp xử lý bánh chưng thừa sau Tết rất hiệu quả phải không?
Bánh chưng bọc khoai
Nguyên liệu:
– Bánh chưng
– Khoai lang vàng
– Nước cốt dừa
– Bột năng
– Đường
– Lạc rang
– Hành lá, gia vị vừa đủ.
Cách làm:
Bạn trộn hỗn hợp nước cốt dừa, nước lọc, bột năng, đường, đun nhỏ lửa và khuấy đều cho đến khi sôi và sền sệt. Tiếp đến, đun dầu ăn cho nóng rồi cho phần hành lá đã thái vào đảo đều.
Tiếp theo, luộc khoai (bỏ vỏ) rồi cho 1 thìa cafe muối, 1 thìa cafe đường, 1 thìa cafe mỡ hành, đánh đều nhuyễn.
Cuối cùng, cho bánh chưng vào hấp cách thủy hoặc bỏ lò vi sóng cho mềm. Sau đó, nhồi nhuyễn thành một khối mịn dẻo. Tiếp theo, dàn chỗ nếp này lên tấm nylon sạch thành hình chữ nhật, cho khoai lên trên bề mặt rồi cuộn lại, chiên ngập dầu cho đến khi vàng giòn thì vớt ra. Dùng kéo cắt bánh, rưới nước cốt dừa và mỡ hành, lạc rang giã nhỏ lên, ăn nóng.
Cách nấu cháo từ bánh chưng thừa
Món ăn này nghe khá lạ nhưng bánh chưng thừa hoàn toàn có thể đem nấu cháo. Bên cạnh đó, nguyên liệu làm món ăn này lại vô cùng nhanh, tiện lợi và đơn giản.
Nguyên liệu:
– Bánh chưng thừa ½ cái hoặc 1 cái
– Gia vị: mắm, chà bông, hạt nêm, hạt tiêu
– Thịt gà, giò chả (số lượng tùy thích)
– Hành lá (không bắt buộc)
Cách làm:
Bạn cho phần bánh chưng thừa vào nồi nước đun sôi, có thể cắt nhỏ bánh chưng ra để bánh nhanh tan hơn. Đến khi thấy bánh mềm hơn thì dùng thìa khuấy và dầm bánh chưng hòa quyện vào nước. Sau đó, cho thêm chút muối, hạt nêm hoặc nước mắm sao cho vừa miệng.
Tiếp đến, bạn cho phần nhân thái đều (phần nhân này có thể tùy thuộc vào những món đồ trong tủ lạnh nhà bạn như: giò, dăm bông, thịt gà,..) và hạt nêm vào sao cho vừa miệng.
Món cháo bánh chưng không chỉ là giải pháp xử lý bánh chưng thừa mà còn là món ăn ấm nóng, ngon miệng cho cả gia đình trong dịp sum vầy. Bên cạnh đó, món ăn này còn có thể ăn cùng củ kiệu, dưa muối, chà bông,…
Bánh chưng chiên trứng
Nguyên liệu: (Dành cho 2 người ăn)
– 1/4 cái bánh chưng
– 2 quả trứng
– 2 cọng hành lá
Nước chấm:
– 2 muỗng canh hắc xì dầu
– 2 muỗng canh nước tương
– 1 muỗng canh đường
– 1/2 muỗng cà phê ớt xay
– 1 muỗng canh dấm đỏ.
Cách làm:
Bạn cho phần bánh chưng thừa vào chảo chống dính, sau đó thêm nước lọc, đun cho mềm nhừ bánh chưng. Trong quá trình chiên bánh chưng bằng nước lọc, lưu ý vừa chiên vừa ép dẹp, dàn phẳng.
Tiếp theo, đập trứng gà lên mặt bánh, dàn đều. Sau đó, lật mặt cho phần trứng chín rồi rắc tiêu và hành lá lên.
Khuấy đều nước chấm, nêm lại chua mặn ngọt vừa ăn và kèm tương ớt. Món này ăn kèm với đu đủ bào hay đồ chua ăn kèm rất ngon.
Đây là giải pháp xử lý bánh chưng thừa từ những nguyên liệu rất đơn giản ngay trong căn bếp của bạn. Tuy nhiên, món ăn này khi ăn lại có vị rất lạ, hãy thử và cảm nhận nhé.
Pizza bánh chưng
Nguyên liệu:
– Bánh chưng
– Ớt chuông vàng, đỏ (thái sợi)
– Hành lá (thái nhỏ)
– Cà rốt (luộc sơ)
– Đậu Hà Lan (luộc sơ)
– Ngô ngọt (luộc sơ)
Cách làm:
Đầu tiên, bạn cho phần bỏ bánh chưng vào âu cùng 1 quả trứng và hành lá, dằm nhuyễn rồi trộn thật đều. Tiếp đến, cho chút dầu ăn vào chảo, láng đề chảo, khi dầu nóng thì cho phần vỏ bánh vào, tiếp tục dằm và dàn đều. Để khoảng 2 phút với lửa nhỏ, sau đó cho phần nhân bánh cùng các loại rau củ, phô mai vào.
Tiếp theo, bạn khéo léo khoét một lỗ tròn ở giữa và đổ vào khoảng giữa 1 quả trứng gà. Sau đó, đậy nắp vung lại, chiên với lửa nhỏ cho đến khi bánh vàng giòn mặt dưới, phần trên chín đều thì cho ra đĩa, rắc thêm chút hành lá. Như vậy là có món bánh pizza từ bánh chưng thừa thơm ngon, hảo hạng.
Nghe có vẻ lạ nhưng pizza bánh chưng lại là món ăn chắc chắn sẽ được lòng rất nhiều bạn nhỏ trong gia đình. Các mẹ đảm tham khảo ngay để Tết này các con được đổi món nhé!
Bánh chưng rán dầu
Bánh chưng rán dầu là cách xử lý bánh chưng thừa sau Tết thông dụng nhất. Cũng là bánh chưng nhưng nếu đem rán thì sẽ hấp dẫn, lượng tiêu thụ sẽ tốt hơn rất nhiều.
Cách làm:
Bánh chưng cắt miếng vừa ăn, dày mỏng tùy ý. Làm nóng chút xíu dầu ăn trong chảo chống dính, cho bánh chưng vào rán ở mức lửa vừa, lật bánh khi mặt dưới vàng giòn.
Bánh chưng rán nước lọc
Cũng là bánh chưng rán nhưng nếu ngại ăn dầu mỡ sau những ngày Tết nạp nhiều năng lượng thì bạn có thể rán bánh chưng với nước lọc. Đây cũng là cách xử lý bánh chưng thừa đơn giản mà vẫn ngon.
Cách làm:
Đổ nước lọc vào chảo (lượng nước xâm xấp bánh) rồi cho bánh chưng đã cắt miếng vào, đun lửa vừa; khi nước sôi cạn còn một nửa thì giảm lửa, dằm nhỏ bánh, dàn mỏng, đều. Khi nước đã cạn gần hết, bánh chưng đã thành một lớp kết dính thì lật mặt, chiên đến khi vàng giòn đều 2 mặt là được. Lấy bánh ra đĩa, cắt miếng vừa ăn.
Bánh chưng rán ăn cùng tương ớt hoặc nước mắm ớt, các loại dưa muối đều ngon.
Bánh chưng chính là tinh hoa văn hóa ẩm thực của dân tộc Việt Nam. Từ hình thức đến hương vị đều mang đậm đà phong vị của nền văn hóa Việt Nam. Bên cạnh hương vị nguyên bản, bạn cũng có thể chế biến bánh chưng thành những món ăn mới mẻ khác nhau.
Trên đây là những cách chế biến bánh chưng thừa sau ngày Tết mà các mẹ đảm có thể tham khảo.