Sấy vải bằng nồi chiên không dầu cho thành quả không thua kém vải sấy ở lò sấy mà giá thành lại rẻ hơn.
Vải sấy khô hoặc long vải thường có giá thành khá cao. Do đó, nếu nhà bạn có nồi chiên không dầu thì có thể tự mua vải tươi về sấy để tiết kiệm chi phí đồng thời có thể đảm bảo chất lượng vải tốt nhất. Dưới đây là cách sấy vải bằng nồi chiên không dầu bạn nên lưu ngay.
Cách chọn vải ngon
Để nhận biết vải có ngon hay không, bạn hãy quan sát phần vỏ ngoài của quả vải. Hãy chọn những chùm vải có cọng dẻo, lá còn tươi và tránh xa những chùm bị héo khô hoặc dập nát bởi đó là vải đã để lâu, cùi bên trong có thể đã bị ảnh hưởng.
Vải ngon và vừa chín tới sẽ có lớp vỏ màu hồng đỏ, quả tròn đều, ít gai. Dù hương thơm không quá đậm nhưng vải vẫn có mùi đặc trưng. Vải tươi ngon thì khi ngửi sẽ thấy hương thơm nhẹ. Nếu thấy quả vải có mùi chua hoặc mùi lạ thì rất có thể đã bị úng do để quá lâu hoặc do bảo quản không tốt.
Ngoài ra, bạn cũng có thể ăn thử 1 – 2 quả để đánh giá độ ngọt cũng như độ dày cùi. Nếu cùi vải mềm, màu trắng trong, mọng nước, có mùi thơm nhẹ, cùi dày và dễ tách, hạt nhỏ chắc chắn là vải ngon. Không nên mua vải hạt quá to, cùi nhão.
Cách sấy vải bằng nồi chiên không dầu
Nguyên liệu để làm vải sấy chỉ cần vải tươi và muối sau đó làm làm theo hướng dẫn dưới đây:
Bước 1: Sơ chế vải
Vải thường bán theo chùm nên sau khi mua về bạn hãy cắt rời từng quả để bỏ cành và cuống. Nên chừa lại một đoạn cuống ngắn tầm 0.5cm chứ không cắt sát núm.
Cắt xong bạn rửa sạch vải với nước rồi ngâm trong hỗn hợp nước muối pha loãng khoảng 10 – 15 phút. Vớt vải ra và rửa lại với nước một lần nữa rồi để ráo.
Bước 2: Luộc vải
Bắc chiếc nồi lên bếp và cho nước vào đun sôi. Ước chừng sao cho lượng nước sẽ ngập số vải đã chuẩn bị.
Đun ở lửa lớn đến khi nước sôi già thì cho hết số vải vào và luộc khoảng 2 phút sau đó vớt ra để ráo.
Bước 3: Sấy vải
Làm nóng nồi chiên không dầu ở 180 độ C trong vòng 5 – 7 phút. Tiếp đến, hãy cho vải vào giỏ chiên, dàn đều và sấy 8 lần, mỗi lần 30 phút ở nhiệt độ 80 độ C. Sau mỗi lần sấy, bạn hãy nhấc nhỏ chiên ra và đảo vải để quả nào cũng được sấy khô đều.
Tổng thời gian 8 lần sấy sẽ là 4 tiếng. Trong thời gian đó, bạn có thể tranh thủ làm việc khác mà không phải túc trực trong bếp.
Bước 4: Thành phẩm
Vải sấy bằng nồi chiên không dầu sẽ có lớp vỏ và cùi vàng sẫm. Vỏ khô nên rất dễ tách, cùi vải ngọt đậm đà, khi ăn sẽ cảm nhận được độ dẻo dẻo khá lạ miệng.
Cùi vải sấy có thể dùng để nấu chè hoặc pha chế nước uống giải khát cực tốt cho sức khỏe.
Lưu ý khi sử dụng và bảo quản vải sấy khô
Vải sấy khô nếu không được bảo quản kỹ lưỡng sẽ rất dễ mốc và nhanh hỏng. Do đó, nếu như bạn sấy số lượng lớn để dùng lâu dài thì có thể bảo quản trong túi nilon buộc chặt và lồng thêm một chiếc túi khác ở bên ngoài để đảm bảo hơi ẩm không thể xâm nhập vào bên trong gây ẩm mốc.
Phương án thứ 2 là đựng trong hộp có nắp đậy kín và để ở nơi khô ráo, thoáng mát. Hai cách làm này đều có thể bảo quản vải từ 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên cứ khoảng 2 – 3 tháng bạn lại kiểm tra chất lượng còn tốt không và mang ra phơi nắng 1 – 2 lần để duy trì trạng thái tốt nhất.
Vải khô không thích hợp cho một số đối tượng như người bị tiểu đường, béo phì, thừa cân,… bởi lượng đường trong vải rất cao. Vải khô cũng có tính nóng nên rất tốt trong việc trị ho, giảm đau dạ dày. Tuy nhiên, những người có cơ địa dễ mọc mụn hay đang trị mụn thì không nên ăn nhiều bởi tính nóng trong vải sẽ khiến tình trạng mụn tệ hơn. Bên cạnh đó, phụ nữ có thai cũng không nên ăn thường xuyên vì tính nóng của vải có thể làm xuất hiện tình trạng sốt hoặc chảy máu cam,…
Cách sấy vải bằng nồi chiên không dầu tuy cần nhiều thời gian nhưng lại rất dễ làm và khả năng thành công tương đối cao. Nếu nhà bạn thường xuyên sử dụng vải sấy để nấu chè hoặc pha nước uống thì hãy áp dụng cách này để có những mẻ vải sấy thật ngon nhé.