Cách nấu lẩu vừa đơn giản lại thơm ngon dành cho chị em sẽ được tổng hợp ở bài viết dưới đây. Với những công thức nấu lẩu vừa nhanh vừa tiện lợi mà ai cũng có thể thực hiện được ngay tại nhà. Món lẩu là món ăn yêu thích của nhiều gia đình. Chính vì vậy hãy cùng tham khảo và trổ tài nấu nướng qua bài viết Tổng hợp các cách nấu món lẩu ngon dưới đây nhé.
1. Cách nấu lẩu Thái chua cay
Nguyên liệu nấu lẩu Thái chua cay
– Xương ống, tôm, mực, ngao, sườn sụn, thịt bò, thịt gà.
– Nấm hương, rau muống, rau cải thảo, cà chua, dứa.
– Sả, riềng, chanh, lá chanh.
– Gia vị, sa tế, gói lẩu Thái.
Chú ý chuẩn bị nguyên liệu sao cho vừa với số lượng người ăn
Cách nấu lẩu Thái chua cay
– Ngao mua về có thể ngâm với 1 ít giấm hoặc nước sạch, cắt vài lát ớt để ngao không còn sạn. Mực sơ chế sạch sẽ rồi cắt thành từng khoanh, thịt bò thái mỏng, còn thịt gà chặt thành miếng vừa ăn.
– Cà chua thái múi cau, dứa thái miếng, rửa sạch nấm hương
– Lá chanh rửa sạch để ráo rồi đem vò nát, riềng thái mỏng, vỏ chanh đập dập cắt khúc. Chanh vắt lấy nước cốt
– Rau muống, cải thảo nhặt sạch sẽ rồi rửa sạch.
– Cho xương ống vào nồi đun sôi để ninh lấy nước dùng sau đó thêm hạt nêm, nước mắm, sa tế, gói gia vị lẩu và nước cốt chanh.
– Đun sôi nước lẩu trên bếp từ thì nhúng hải sản, thịt bò, thịt gà và rau vào để ăn.
2. Cách nấu lẩu thái hải sản
Nguyên liệu nấu lẩu Thái hải sản
– Xương ống, tôm, ngao, mực, ghẹ…
– Sả cây, chanh, nấm hương, củ riềng, lá chanh, gừng
– Rau muống, cần tây.
– Gia vị, gói gia vị lẩu thái.
Cách nấu lẩu Thái hải sản
– Mực rửa sạch rồi cắt khoanh vừa ăn. Ngao ngâm với nước cho nhả cát rồi rửa lại thật sạch. Tôm cắt bỏ đuôi và chân, ghẹ rửa sạch
– Rau rửa sạch, cắt khúc vừa ăn, có thể thêm các loại rau yêu thích.
– Nấm hương ngâm với nước rồi rửa sạch có thể cắt nhỏ hoặc để nguyên cây.
– Sả bóc vỏ già, đập dập; còn riềng thái lát mỏng.
– Cho xương vào nồi ninh để lấy nước dùng. Thêm sả, riềng, nấm hương, lá chanh vào nồi nước lẩu.
– Nêm gia vị gồm muối, hạt nêm, bột canh, đường, nước chanh, gói gia vị lẩu Thái.
– Đun sôi nước dùng trên bếp từ rồi nhúng hải sản, nấm và rau để ăn chung.
3. Cách nấu lẩu riêu cua bắp bò
Nguyên liệu nấu lẩu riêu cua bắp bò
– 1kg cua đồng, 500gr bắp bò, 500gr sườn non, 5 miếng đậu hũ (hoặc tùy theo số lượng người ăn)
– 1 ít mẻ, 3 trái cà chua, tỏi, dấm bỗng, hạt nêm, mắm tôm, đường, muối và dầu ăn.
Cách nấu lẩu riêu cua bắp bò
– Sườn đem rửa sạch rồi uớp sườn với 1 muỗng cafe hạt nêm, 1/2 muỗng muối, 1/2 muỗng đường và 1/2 muỗng tỏi băm nhỏ, sau đó đem ninh trong nồi áp suất khoảng 15 – 20 phút.
– Gạch cua đã tách riêng đem xào cùng tỏi, nêm thêm một ít nước mắm.
– Đậu hũ cắt miếng vừa ăn và chiên vàng 2 mặt.
– Tỏi đem phi vàng thơm sau đó cho hết tô nước lọc cua vào. Kế đến cho thêm 1 muỗng cafe mắm tôm, 1 muỗng hạt nêm, 1 muỗng đường và 1 muỗng cafe muối vào, khuấy nhẹ tay rồi đun sôi.
– Cho cà chua, sườn và thêm 3 muỗng mẻ, 2 muỗng dấm bỗng vào nước lẩu đun sôi và nếm vừa ăn.
– Cuối cùng là cho lên bếp từ và nhúng lẩu thưởng thức.
4. Cách nấu lẩu gà thập cẩm
Nguyên liệu nấu lẩu gà thập cẩm
Tùy vào số lượng người ăn mà bạn nên cân nhắc mua nguyên liệu cho vừa đủ. Dưới đây là gợi ý nguyên liệu cho 7 người ăn
– Gà: 1 con khoảng 2kg
– Lòng, dạ dày lợn: 300 gr
– Ngao: 500 gr
– Đậu phụ: 3 tấm
– Xương lợn: 500 gr
– Nấm hương: 200 gr
– Nấm rơm/ nấm sò/ nấm đùi gà: 1 gói
– Thuốc bắc: 2 gói
– Các loại rau mà bạn thích: muống, cần, mồng tơi…
– Trứng vịt lộn: 1 – 2 quả (không có cũng được)
– Mì tôm, bán đa hoặc bún ăn kèm
– Muối, sa tế, mì chính, hành khô, chanh, ớt, hạt nêm, bột canh.
Cách nấu lẩu gà thập cẩm
– Sơ chế gà: rửa sạch gà hoặc có thể xát 1 ít muối rồi rửa sạch, cắt gà thành từng miếng vừa ăn.
– Các loại rau và nấm thì làm sạch, rửa sạch, thắt thành khúc vừa ăn.
– Ngao, tôm, lòng, dạ dày heo làm sạch, cắt thành miếng và rửa sạch
– Xương đem ninh bằng nồi áp suất cho nhừ, rồi sơ chế nước lẩu
– Xếp các nguyên liệu ra bát, đĩa và bật bếp nấu rồi thưởng thức.
5. Cách nấu lẩu ếch măng chua
Nguyên liệu nấu lẩu ếch măng chua
– 1kg ếch
– Xương ống: 500 gr
– 1kg măng củ
– Váng đậu: 200 gr
– Rau muống, hành hoa, tía tô, lá lốt, mùi tàu
– Tỏi, sả, ớt, bột nghệ, ớt, chanh
– Dầu ăn, gia vị, hạt nêm
– Bún hoặc mì tôm ăn kèm.
Cách nấu lẩu ếch măng chua
– Xương ống đem rửa sạch và cho vào nồi áp suất ninh khoảng 30 phút để lấy nước dùng
– Đậu cắt miếng vừa ăn và chiên vàng giòn lên
– Măng luộc sơ qua, ướp thịt ếch đã sơ chế với bột nghệ, gia vị và tỏi.
– Ếch đem làm sạch rồi xào thịt ếch với tỏi
– Lấy nước xương sơ chế thành nước lẩu và thưởng thức ngay lẩu ếch măng chua là được
6. Cách nấu lẩu gà lá é
Nguyên liệu nấu lẩu gà lá é
– 1 con gà làm sạch (khoảng 2kg)
– 1 bó lá é, 4 cây sả, 1 bó hành lá, 1 củ hành tây, 10 trái ớt xanh nhỏ
– 3 cây nấm đùi gà, 2 trái dừa tươi lấy nước, 3 bịch nấm kim châm, 1 hộp nấm hương.
– Muối ớt và gia vị.
Cách nấu lẩu gà lá é
– Gà ướp với lá é và một chút muối trong khoảng 15 phút.
– Nấu nước dùng bao gồm 2 trái dừa tươi lấy nước, 1 tô nước lọc với hành tây và sả cây sau đó đem đun sôi.
– Tiếp theo cho gà vào nước lèo, nấu chín và mềm, nêm gia vị vừa ăn. Vậy là hoàn thành.
– Nước sôi cho nấm vào trước, lá é khi nào ăn hãy để vào.
7. Cách nấu lẩu gà ớt hiểm
Nguyên liệu nấu lẩu gà ớt hiểm
– 1 con gà ta.
– Sả, tỏi, hành tím, kỷ tử, ớt hiểm, hành tây.
– Hạt nêm, nước tương, muối, dầu ăn.
Cách nấu lẩu gà ớt hiểm
– Đem gĩa nhuyễn muối và ớt hiểm.
– Hành tím, tỏi lột vỏ, rửa sạch và băm nhỏ.
– Hành tây đem rửa sạch rồi cắt thành múi cau.
– Sả rửa sạch rồi đập dập.
– Kỷ tử rửa sạch.
– Gà sau khi rửa sạch thì chặt miếng vừa ăn, cho hành tím, tỏi băm, 1/2 muỗng café hạt nêm, nước tương để ướp gà khoảng 15 phút.
– Chiên sơ sả, rồi vớt ra. Tiếp đó chiên gà săn lại cho tới khi chín vàng.
– Đun nước sôi, cho hành tây, sả, gà vào nồi. Thêm 100 gr ớt hiểm, 30 gr hạt nêm, 1 muỗng canh nước tương, nêm nếm gia vị lại cho vừa ăn.
– Thịt gà chín mềm, cho tiếp kỷ tử vào nồi rồi đun trong 1 phút thì tắt bếp. Vậy là xong món lẩu gà ớt hiểm và có thể đem thưởng thức ngay rồi.
8. Cách nấu lẩu cá kèo
Nguyên liệu nấu lẩu cá kèo
– Cá kèo: 500 gr
– Xương ống: 300 gr
– Măng chua: 200 gr
– Dứa, cà chua, ớt, sả, hành tím
– Một số loại rau ăn kèm mà bạn thích
– Bún
Sơ chế lẩu cá kèo
– Cá kèo đem làm sạch và cắt thành miếng vừa ăn
– Cà chua cắt múi cau, quả dứa cắt thành từng miếng vừa ăn
– Hành tím, sả, ớt băm nhuyễn
– Rau rửa sạch, cắt thành khúc vừa
Cách nấu lẩu cá kèo
– Xương ống đem ngâm với nước muối loãng trong khoảng 15 phút rồi rửa sạch.
– Cho xương vào nồi ninh
– Phi hành, ớt, sả đã băm lên rồi thêm cà chua vào xào, tiếp đến cho dứa, măng chua vào xào cùng. Thêm hạt nêm, đường rồi đổ vào nồi nước dùng.
– Xếp các nguyên liệu ra bát, đĩa và bật bếp nấu rồi thưởng thức.
9. Cách nấu lẩu bò nhúng dấm
Nguyên liệu nấu lẩu bò nhúng dấm
– Thịt bò: 800 gr (có thể chọn ba chỉ bò, bắp rùa hoặc bắp hoa)
– Xương bò: 1kg (nếu không có thể dùng xương gà)
– Dấm gạo ngon: 500ml
– 1/2 quả dứa xanh
– 1 củ hành tây
– 1 tập bánh tráng cuốn
– 1 bát tô nước dừa non (lấy 1 quả)
– Cùi dừa bào mỏng
– 2 quả chanh tươi
– Bún: 0.5kg (nên dùng bún rối)
– Mắm nêm
– Rau sống: dứa, khế, chuối xanh, sả, xà lách, rau thơm bạc hà, rau mùi, giá, cà rốt, dưa chuột, khế, tỏi, hành tây
– Gia vị: hạt nêm, muối, gừng
– Có thể dùng thêm: váng đậu, đậu phụ chiên (tùy sở thích)
Cách nấu lẩu bò nhúng dấm ngon:
1- Nấu nước dùng
– Xương bò đem rửa sạch rồi chặt từng khúc nhỏ. Luộc sơ lần đầu xương với nước sạch sau đó đổ nước luộc xương này đi, rửa sạch xương lại một lần nữa. Nếu không có xương bò thì có thể thay bằng xương heo.
– Ninh xương bò với khoảng 1,2 lít nước trong khoảng 45 phút. Trong lúc ninh xương nên liên tục vớt hết các bọt nổi trên mặt nước để nước dùng trong và ngon hơn. Sau đó cho một chút hạt nêm và muối sao cho vừa ăn.
2- Sơ chế các nguyên liệu
– Gọt vỏ dứa rồi thái miếng vừa ăn. Để lại khoảng 1/3 miếng dứa để băm nhỏ làm mắm nêm.
– Hành tây đem gọt bỏ vỏ, rửa sạch rồi thái lát.
– Sả rửa sạch, đem đập dập rồi cắt khúc 3cm – 5cm
– Rau sống nhặt sạch đem rửa sạch rồi để cho ráo.
– Chuối xanh lột vỏ, cắt khúc dài khoảng 5cm, ngâm với nước muối để chuối đỡ thâm và ra hết nhựa đen.
3- Sơ chế thịt bò.
– Thịt bò mua về rửa sạch rồi đem thái lát mỏng ướp với gừng, hạt nêm, hành củ băm nhỏ, để 30 phút cho ngấm gia vị.
4- Chế biến nước lẩu dấm.
Cho nước cốt dừa vào nồi cùng nước hầm xương bò, rồi bỏ dứa, thêm hành tây, sả đã đập dập, cùi dừa nạo, thêm 1/3 bát nước dấm. Khi nồi nước lẩu đun sủi, thêm gia vị vừa ăn. Đun sôi thêm trong khoảng 5 phút nữa.
5- Pha nước nắm tỏi chấm bò nhúng.
Tỏi bóc vỏ, đập dập, thêm ớt băm nhỏ, dứa đã băm nhỏ vào bát mắm. Pha nước mắm theo tỷ lệ: 1 nước mắm + 1,5 thìa đường + 1 nước cốt chanh rồi khuấy đều
6- Thưởng thức món lẩu bò nhúng dấm ngon, hấp dẫn.
Khi nước lẩu đã sôi thì đổ ra nồi, đặt trên bếp từ, bày thịt bò, rau sống, bún, bánh tráng và chuẩn bị thưởng thức nào. Để lửa vừa đủ cho nồi nhúng sôi lăn tăn và bắt đầu thưởng thức thôi.
10. Cách nấu lẩu đuôi bò thuốc bắc
Nguyên liệu nấu lẩu đuôi bò thuốc bắc
– Thịt đuôi bò: 800 gr
– Đậu hũ trắng: 100 gr
– Bò viên 300 gr
– Gừng 1 củ
– Củ cải trắng 1 củ
– Kỷ tử/ hoa hồi / quế 1 ít
– Táo tàu 10 gr
– Sả 4 cây
– Hành tím 3 củ
– Tương đen 1.5 muỗng canh
– Hành tây 1/2 củ
– Tỏi 6 tép
– Sa tế 1 muỗng cà phê
– Chao 3 miếng
– Đường phèn 2 muỗng canh
– Rượu trắng 1 ít
– Dầu ăn 1 muỗng canh
– Gia vị thông dụng 1 ít: muối/ đường/ bột ngọt/ hạt nêm
Dụng cụ thực hiện
– Nồi lẩu điện/ bếp điện/ bếp từ
– Chảo chống dính
– Nồi áp suất
Cách chọn mua nguyên liệu tươi ngon
– Cách chọn mua củ cải tươi ngon
Nên chọn những củ cải trắng, vỏ nhẵn, tươi, dáng củ thon dần về phía phần đuôi, cầm lên thấy cứng không quá mềm. Không nên chọn củ toàn thân bị dập, có vết nứt không nguyên vẹn hay bị mất một góc.
Củ cải cần có màu sắc đồng nhất, không có chấm đen hoặc vàng, vỏ nguyên vẹn.
Bạn nên mua củ cải vẫn còn lá vì như thế chứng tỏ chúng còn tươi.
– Cách chọn mua đậu hũ trắng ngon
Để chọn được miếng đậu hũ ngon và đảm bảo không chứa thạch cao thì nên chọn những miếng trắng ngà, không chọn những miếng ngả vàng hoặc vàng. Thêm vào đó, nên chọn những miếng cầm nhẹ tay và mịn màng, đó là những miếng đậu hũ ngon. Đậu hũ tươi và nguyên chất sẽ có mùi thơm đặc trưng, còn đậu hũ chứa tạp chất sẽ có mùi thoang thoảng như mùi vôi.
Khi chế biến đậu hũ nguyên chất sẽ có mùi thơm, béo của đậu nành. Đậu hũ có tạp chất sẽ có vị hơi chát.
– Chọn mua các gia vị thuốc bắc
Có thể chọn mua các gia vị thuốc bắc như hoa hồi, kỷ tử, quế ở các chợ, siêu thị, những cửa hàng bán thực phẩm hoặc những cửa hàng chuyên bán nguyên liệu thuốc bắc uy tín.
Khi mua, chú ý các nguyên liệu phải có mùi nồng của thuốc bắc, không bị nổi mốc trắng hay ẩm ướt, chảy nước, có mùi lạ.
Cách nấu lẩu đuôi bò thuốc bắc
1- Sơ chế và ướp đuôi bò
– Đuôi bò sau khi mua về thì cạo hết lông rồi đem rửa với nước muối loãng, sau đó rửa qua rượu trắng và gừng cắt lát rồi rửa sạch lại với nước. Sau đó, chặt đuôi bò thành các miếng nhỏ vừa ăn
– Nêm vào đuôi bò 2 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê đường, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt, 2/3 muỗng cà phê muối rồi trộn đều cho đuôi bò thấm gia vị.
2- Sơ chế các nguyên liệu khác
– Sả đập dập rồi đem cắt nhỏ.
– Gừng rửa sạch đem cắt nhỏ, sau đó giã nhuyễn.
– Hành tím và tỏi đem băm nhỏ.
– Đậu hũ rửa sạch, dùng khăn giấy thấm cho khô ráo nước rồi đem cắt thành các miếng vuông vừa ăn.
– Củ cải trắng rửa sạch rồi đem cắt khúc nhỏ.
– Hành tây đem cắt múi cau.
3- Xào đuôi bò
Cho 1 muỗng canh dầu ăn vào chảo, khi dầu nóng thì cho hành tím, sả, tỏi và gừng xào đến khi có mùi thơm thì cho đuôi bò vào xào. Khi đuôi bò hơi săn thì cho hoa hồi và quế vào xào đến khi đuôi bò săn lại.
4- Hầm đuôi bò
Cho đuôi bò cùng các nguyên liệu vừa xào vào nồi áp suất, cho thêm củ cải trắng và khoảng 1 lít nước vào, tiến hành hầm trong khoảng 40 – 50 phút.
5- Tiến hành nấu lẩu
– Cho phần đuôi bò và nước hầm ra nồi khác trên bếp, cho kỷ tử, táo tàu vào và nêm nước dùng với 1 muỗng canh hạt nêm, 1/3 muỗng canh bột ngọt, 1/2 muỗng canh muối, 2 muỗng canh đường phèn, 1.5 muỗng canh tương đen.
– Khi nước sôi thì cho bò viên vào nồi, đảo đều cho bò viên chín thì tắt bếp, cho đậu hũ và hành tây vào là hoàn thành.
– Để làm nước chao chấm kèm lẩu, trộn đều 3 viên chao với 2 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê sa tế và một ít sả.
6- Thành phẩm
Lẩu đuôi bò với cách làm khá đơn giản nhưng đem lại một món lẩu hấp dẫn, thơm ngon, nước lẩu nóng hổi, đậm đà kết hợp với thịt đuôi bò mềm ngon, chấm kèm thịt đuôi bò với chao thì còn gì bằng phải không nào.
Cách chọn mua đuôi bò tươi ngon
– Để mua được đuôi bò ngon, bạn phải chọn thịt ở đuôi có màu đỏ tươi do thịt đuôi bò có màu đỏ sẫm không phải là đuôi bò ngon.
– Mỡ đuôi bò phải có màu vàng tươi, gân màu trắng và cứng khi ấn vào vì nếu như ấn tay lên thấy mỡ mềm thì bạn không nên mua. Cuối cùng, lấy tay ấn vào đuôi bò. Nếu là đuôi bò ngon thì thấy thịt có độ đàn hồi tốt và không có mùi hôi.
Cách sơ chế đuôi bò sạch, không hôi
– Cho đuôi bò vào lửa than (lúc mua có thể nhờ người bán hàng xử lý) rồi cạo sạch hết phần lông và khét rồi rửa sạch bằng nước muối.
– Để đuôi bò không bị hôi thì bạn rửa sạch qua rượu trắng và dùng gừng giã nhỏ chà xát lên bề ngoài, rửa lại bằng nước.
Các loại rau ăn kèm với lẩu đuôi bò
– Gồm các loại rau như: cải cúc, mồng tơi, cải thảo, cải bẹ xanh,…
– Các loại rau mua về cắt bỏ phần lá hư không ăn được hay phần rau đã bị úng rồi rửa sạch lại với nước thì đã dùng được rồi.
Món lẩu cũng không phải quá khó làm tại nhà với các nguyên liệu dễ tìm và mua cho những giáp Tết phải không nào? Vì vậy còn chần chừ gì mà không lên đồ ra chợ và vào bếp để chiêu đãi cả nhà 1 trong những món lẩu trong bài viết Tổng hợp các món lẩu ngon ở trên mình vừa chia sẻ. Chúc các bạn thành công!